Phan Đàm Quân, cựu HS trường Chu Văn An, Hà Nội trúng tuyển NUS ngành Geography

Thứ ba, 14/12/2021, 10:16 GMT+7

Phan Đàm Quân, cựu HS trường Chu Văn An, Hà Nội trúng tuyển ngành Geography năm 2019, đang là sinh viên năm 3 của trường NUS sẽ chia sẻ vì sao chọn NUS & học hành thực tập NUS có những điểm gì khác với Việt Nam.

1) Vì sao Quân ứng tuyển vào NUS? Sau khi trúng tuyển và đi học thì Quân thấy NUS như thế nào?

Mình ứng tuyển vào NUS vì thấy đây là một trường đại học danh tiếng, xếp hạng rất cao trên thế giới mà mình có khả năng đỗ. Mình biết đến NUS nhờ tờ quảng cáo của Hợp Điểm được phát vào buổi họp phụ huynh lớp mình đầu năm lớp 12: mẹ mình động viên mình tham dự một buổi hướng dẫn điền đơn của Hợp Điểm. Sau đó mình rất ấn tượng về chất lượng giảng dạy cùng cơ sở vật chất của trường trường và thấy cách thức tuyển sinh của trường làm nổi bật thế mạnh của mình. Do đó mình đã tự tin nộp hồ sơ, tham dự kì thi tuyển sinh UEE và trúng tuyển vào tháng 4/2019.

Sau khi trúng tuyển và đi học thì mình thấy NUS đúng là một ngôi trường rất tốt, vượt xa rất nhiều trường đại học ở Việt Nam và trên thế giới. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng cơ sở vật chất của trường đã cũ, nhưng mình thấy nó vẫn rất tiện nghi, vẫn được tu bổ hằng năm nên vẫn có thể sử dụng tiện lợi. Các thầy cô và sinh viên ở NUS đều làm việc và học tập với thái độ nghiêm túc, các thầy cô đều cố gắng giảng dạy và giải đáp thắc mắc của sinh viên rất nhiệt tình, còn các sinh viên thường chăm chỉ học tập. Mặc dù dịch Covid-19 đã làm nổi lên hiện tượng gian lận thi cử trong mấy tháng đầu năm 2020, nhưng nhờ hành động xử lý kịp thời và mạnh tay nên tình trạng này đã được giảm thiểu đáng kể.

2) Việc học tập và sinh hoạt tại NUS diễn ra như thế nào? Có những điểm gì khác với Việt Nam mà mọi người cần chú ý?

Việc học tập ở NUS chủ yếu được diễn ra theo các lớp học lớn và lớp học nhỏ. Lớp học lớn là các lớp giảng đường có đông sinh viên mà giảng viên sẽ giảng kiến thức, còn lớp học nhỏ là các lớp nhỏ cho giảng viên hoặc trợ giảng đứng lớp và tương tác nhiều hơn với sinh viên. Tuy nhiên dù là hình thức nào thì sinh viên cũng cần có tinh thần tập trung và tự giác cao độ. Để hỗ trợ cho việc tự học thì NUS có hệ thống học liệu điện tử, hệ thống thư viện số cho phép sinh viên dễ dàng truy cập bài giảng, lịch học, thông tin bài tập, bài kiểm tra và tiếp cận kiến thức từ những tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.

Việc sinh hoạt ở NUS phụ thuộc nhiều vào lịch học và lối sống của từng cá nhân, tuy nhiên nhà trường có nhiều biện pháp hỗ trợ cho cuộc sống sinh viên trở nên thuận tiện hơn. Chẳng hạn, hệ thống xe buýt trong trường là hoàn toàn miễn phí, tần suất xe chạy rất cao (với những tuyến di chuyển giữa các toà nhà có đông người học thì tần suất có thể là 5 phút một chuyến vào giờ cao điểm). Ngoài ra, ở mỗi toà nhà thường có một căng tin với nhiều hàng ăn giá rẻ để sinh viên ăn trưa. Ở nhiều khu vực lối đi, nhà trường cũng đặt nhiều bộ bàn ghế để sinh viên có thể ngồi học nhóm hoặc tự học. Nhiều đường dẫn ra các bến xe buýt có mái che mưa, nhiều lớp học có túi đựng ô,… để giúp sinh viên đi học thuận tiện hơn khi có mưa lớn.

Việc học tập và sinh hoạt ở NUS có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam, tuy nhiên sự khác biệt lớn nhất là về sự công khai và minh bạch. Hệ thống học tập cùng những tiện ích sinh hoạt ở NUS có thể dễ dàng tìm hiểu trên mạng một cách hệ thống. Tuy nhiên ở Việt Nam thì mọi thứ chưa thật rõ ràng, chưa có nhiều tài liệu và ứng dụng tổng hợp để hướng dẫn (so với Singapore và NUS) có thể tìm thấy dễ dàng trên mạng mà người ta phải sử dụng các mối quan hệ để có những thông tin nội bộ.

3) Vấn đề thực tập, làm thêm, tìm việc làm của sinh viên NUS diễn ra như thế nào?

Sinh viên Việt Nam tại NUS được phép làm việc tối đa 16 giờ một tuần trong năm học, và 44 giờ một tuần trong kì nghỉ. Nhà trường có một trang thông tin việc làm trong trường mà nhiều sinh viên Việt Nam tìm kiếm việc làm. Đó là những công việc hành chính, nghiên cứu, hỗ trợ giáo sư giảng dạy,… với mức lương thấp nhất 12 SGD một giờ, những công việc đòi hỏi trình độ cao hơn, như trợ giảng hay trợ lý nghiên cứu thì mức lương có thể lên đến 30 – 40 SGD một giờ. Ngoài ra, sinh viên có thể đi làm thêm các công việc bên ngoài như làm phục vụ, gia sư,… Rất nhiều sinh viên người Singapore dạy gia sư với mức lương khoảng 50 – 60 SGD một giờ, tuy nhiên ít sinh viên Việt Nam dạy gia sư vì không tiếp xúc nhiều với chương trình học phổ thông của Singapore.

Nhiều sinh viên NUS tìm thực tập khi bắt đầu vào năm học thứ 2. Có một số ngành học yêu cầu sinh viên phải thực tập ít nhất 3 tháng hoặc 6 tháng thì mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Để hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm thì nhà trường có văn phòng hướng nghiệp và hỗ trợ sinh viên tìm việc làm (Centre for Future-ready Graduates, CFG). Sinh viên NUS cũng phải học môn hướng nghiệp CFG1002 trong năm học đầu tiên để được hướng dẫn kĩ năng làm hồ sơ, kĩ năng phỏng vấn, kĩ năng tìm việc,… Mức lương thực tập cơ bản mà nhà trường đề xuất là từ 800 đến 1000 SGD một tháng cho vị trí thực tập toàn thời gian. Nhiều sinh viên NUS thực tập toàn thời gian trong kì nghỉ và thực tập bán thời gian trong năm học.

Việc làm thêm và thực tập trong bốn năm học của sinh viên NUS sẽ hỗ trợ rất nhiều khi sinh viên tìm kiếm việc làm chính thức sau khi tốt nghiệp. Khi bước vào năm 4, các chuyên viên của văn phòng hướng nghiệp sẽ thường xuyên gửi thư thông báo danh sách các công việc mà sinh viên năm cuối có thể ứng tuyển. Ngoài ra, sinh viên năm cuối sẽ được ưu tiên có buổi tư vấn riêng với các chuyên viên để hỗ trợ tìm việc làm, được tham gia các ngày hội hướng nghiệp để gặp gỡ các nhà tuyển dụng. Đây là những hỗ trợ rất thiết thực để sinh viên NUS tìm kiếm việc làm trong thời buổi kinh tế khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về hành trình du học của Quân thì có thể ghé thăm trang blog "Nhật ký du học" của Quân nhé: https://nhatkyduhocpdq2.blogspot.com/
Ý kiến bạn đọc